Hiện nay, có nhiều cơ quan tài trợ khác cũng đang hỗ trợ các sáng kiến liên quan tới phát triển du lịch tại Việt Nam, một số dự án trong số đó đã được thực hiện trong nhiều năm.
Để tránh trùng lặp và chồng chéo các nỗ lực và đảm bảo đạt được các mục tiêu chung, cần phải có sự điều phối liên tục và hiệu quả giữa các cơ quan của các nhà tài trợ.
1. Dự án Lux-Development VIE/031:
Tăng cường nhân lực trong ngành khách sạn và du lịch tại Việt Nam (từ 2010 đến 2012), tập trung vào xây dựng năng lực cho một số trường trung học và cao đẳng du lịch được lựa chọn. Dự án là sự tiếp nối một số dự án lớn khác đã được Lux-Development thực hiện trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch từ cuối những năm 1990.
Việc phối hợp với Dự án Lux bao gồm hỗ trợ các trường đào tạo du lịch trong việc bồi dưỡng giáo viên, xây dựng tài liệu đào tạo và cung cấp các trang thiết bị dựa trên khảo sát về nhu cầu.
2. Dự án Đào tạo Nghề Du lịch cho nhóm lao động tự do (HITT)
Dự án Đào tạo Nghề Du lịch cho nhóm lao động tự do (HITT) của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) là dự án thực hiện trong 3 năm, chính thức bắt đầu ngày 12/2/2011 và sẽ kết thúc ngày 31/1/2014. Được Liên minh Châu Âu tài trợ, dự án này tập trung đầu tư vào con người: giáo dục, kiến thức, kỹ năng và dịch vụ cho nền kinh tế phi chính thức.
Dự án ESRT sẽ phối hợp với SNV, đặc biệt tại những khu vực mà SNV đã thiết lập được mạng lưới đào tạo viên, bao gồm việc hỗ trợ 8 tỉnh vùng núi Tây Bắc phát triển du lịch có trách nhiệm bằng việc phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu trong khuôn khổ dự án Con đường Cao nguyên miền Bắc, và phạm vi hợp tác trên diện rộng để đảm bảo quản lý điểm đến có hiệu quả.
Các tiêu chuẩn VTOS sớm sẽ được xây dựng sẽ hỗ trợ SNV trong việc triển khai đào tạo. Có thể thấy rằng SNV sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc xác định và xây dựng các tiêu chuẩn mới thông qua việc tham gia vào các hội thảo và các tổ công tác kỹ thuật.
3. Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID)
Hiện nay đang hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tiếp thị du lịch quốc gia, Luật Du lịch và Quy hoạch tổng thể du lịch thành phố Huế. Dự án ESRT hiện đang đóng góp vào các hoạt động này bằng việc tăng cường thêm năng lực thông qua nhóm chuyên gia ngắn hạn (STE) được huy động trong giai đoạn khởi động Dự án để hỗ trợ Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện việc rà soát Luật Du lịch.
Các nỗ lực phối hợp đang được thực hiện nhằm hợp tác chặt chẽ với AECID trong dự án mới nhất của tổ chức này. Các cơ hội để hợp tác rất đa dạng đặc biệt khi dự án mới của AECID có trọng tâm tương tự như trọng tâm của Dự án ESRT. AECID được coi là đối tác hỗ trợ hàng đầu trong việc thực hiện nhiều hoạt động của Dự án, nhất là khi định hướng về vị trí địa lý phù hợp với những địa bàn được tập trung làm thí điểm của Dự án ESRT, như Lào Cai, Điện Biên và Hà Giang.
4. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quản lý “Dự án Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam”, dự án này cũng do Chính phủ Luxembourg tài trợ. Mục tiêu của dự án là “Xây dựng phương pháp tiếp cận có thể nhân rộng và bền vững để góp phần phát triển du lịch vì người nghèo và vì công ăn việc làm trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đê về giới” với trọng tâm là địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, dự án của ILO tham gia xây dựng và lồng ghép ba chuỗi giá trị du lịch, sử dụng phương pháp tiếp cận cùng tham gia để trao quyền cho các đối tác trở thành đối tượng sở hữu các chuỗi giá trị và thúc đẩy khả năng bền vững của chúng. Trong phương pháp tiếp cận này, các chủ thể tham gia và các đối tác phát triển tích cực phối hợp giải quyết các trở ngại (như thiếu các hoạt động đào tạo) và thực hiện các chuỗi giá trị đã lựa chọn.
Dự kiến sự can thiệp này sẽ được xem như dự án thí điểm để thúc đẩy nhân rộng các sáng kiến tương tự ở các vùng nằm sâu trong đất liền khác của tỉnh khi thị trường đã sẵn sàng.
Dự án ESRT hiện đang góp phần vào các hoạt động này thông qua sự phối hợp phân tích chuỗi giá trị du lịch kể trên. Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai dự án đang được dự thảo.
5. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hiện nay đang hỗ trợ Tổng cục Du lịch một cố vấn kỹ thuật toàn thời gian tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch với mục đích: tư vấn về các chính sách du lịch, các chương trình và các kế hoạch hành động, tư vấn về xúc tiến và tiếp thị du lịch, hỗ trợ xây dựng các chương trình phát triển du lịch thông qua sử dụng các nguồn lực du lịch địa phương, điều phối các chương trình hỗ trợ của các đối tác phát triển với các chương trình của chính phủ, chủ động phối hợp giữa các bộ. Dự án ESRT sẽ hợp tác chặt chẽ với JICA để hỗ trợ Tổng cục Du lịch.
6. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng với Tổng cục Du lịch Việt Nam đang triển khai Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng dọc theo các hành lang kinh tế khu vực. Dự án này chủ yếu cung cấp cơ sở hạ tầng và một số hỗ trợ có giới hạn về phát triển nguồn nhân lực, du lịch vì người nghèo và bảo tồn di sản tại năm tỉnh (3 tỉnh Trung Bộ và 2 tỉnh Bắc Bộ).
7. Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO
Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO) cho rằng xây dựng năng lực và chuyển giao kiến thức là trọng tâm của các điểm đến cạnh tranh và các nỗ lực phát triển bền vững. Dự án đào tạo nghề du lịch cho nhóm lao động tự do (HITT) do SNV thực hiện với sự tài trợ của EU và UNWTO, sẽ đào tạo nghề cho 1.100 người lao động và các đối tượng kinh doanh du lịch của khu vực kinh tế phi chính quy. Các đối tượng tham gia cũng sẽ được hưởng lợi từ sự thiết lập mối liên kết với các đơn vị du lịch chính quy của ngành, những người sẽ mang đến các cơ hội kinh doanh và thực hiện việc đào tạo các lao động du lịch.
Ngoài ra, Dự án ESRT sẽ tìm cách tiếp tục các kết quả của chuyến công tác chung giữa UNWTO và Tổng cục Du lịch đến các tỉnh Yên Bái và Hà Giang ở khu vực vùng núi phía Bắc để xác định các cơ hội phát triển du lịch ở các tỉnh này.
Đồng thời, Dự án ESRT sẽ tìm hiểu để khai thác nội dung đang được UNWTO và EU thảo luận hiện nay về khả năng đưa Việt Nam trở thành một điêm nghiên cứu điển hình về phát triển du lịch có trách nhiệm toàn cầu mà UNWTO đang cân nhắc.
8. Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO)
Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nâng cao năng lực chuyên môn cho các thuyết minh viên tại các điểm di sản văn hóa, đặc biệt tại các điểm di sản văn hóa thế giới. Học viện Quản lý di sản Châu Á thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bảo tồn và Trùng tu các Di sản văn hóa của UNESCO (ICCROM) đã xây dựng Chương trình đào tạo cán bộ chuyên hướng dẫn di sản văn hóa năm 2005. Tiếp theo giai đoạn thí điểm thành công tại Việt Nam vào năm 2010, chương trình này đã được chỉnh sửa để đào tạo cho thuyết minh viên tại các điểm di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An.
Các thuyết minh viên tại di sản là một phần thiết yếu trong phát triển du lịch bền vững vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục khách du lịch về giá trị đích thực của điểm đến và các nguyên tắc ứng xử có trách nhiệm.