Phát huy vai trò cộng đồng để phát triển du lịch bền vững

 

Thời gian qua, một số mô hình du lịch cộng đồng đã đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không phải cứ ở đâu có người dân, dựng mấy ngôi nhà, làm mấy con đường và kéo về vài người khách là nơi đó sẽ phát triển được du lịch cộng đồng. Vấn đề đặt ra hiện nay của du lịch cộng đồng là phải chú trọng chăm lo phát triển bền vững cả du lịch, văn hóa và môi trường.

Khi nông dân làm du lịch

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm nhà vườn Vàm Xáng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Điều hấp dẫn chúng tôi không chỉ là những cây trái theo mùa lúc lỉu quả, mà còn bởi khả năng giới thiệu đầy hấp dẫn của chủ vườn, ông Trần Văn Liền. Ông tự tin nói với chúng tôi về những loại hoa trái của nhà mình, mời ăn những loại quả hái ngay trên cây, hướng dẫn cách chọn những quả đạt chất lượng và bày cho chúng tôi cả những công dụng khác của chúng… 

Nông dân làm du lịch chuyên nghiệp như ông Trần Văn Liền không còn là điều mới lạ ở Cần Thơ nói riêng, Việt Nam nói chung. Bên cạnh làm nông nghiệp, bà con làm thêm du lịch để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển văn hóa, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống, tăng cường giao lưu, hiểu biết… Đây cũng chính là nhu cầu chính đáng cần được cổ vũ, nhân rộng. Tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng có 9 hộ dân làm du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Sỹ Trung, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Các hộ làm du lịch cộng đồng có những nhà sàn gỗ thấp truyền thống được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Khách muốn ở lại các ngôi nhà cổ này, xem gia chủ làm nghề và tham gia trải nghiệm”. Ông Tôn Thất Đính ở xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, tôi cải tạo lại cảnh quan nhà, nhất là khu vệ sinh, đồng thời học tập kỹ năng giao tiếp với khách. Hiện nay, một số đơn vị du lịch đã đặt hàng để đưa khách về ở tại gia đình”.


Du khách chụp ảnh trong khuôn viên một gia đình làm du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. 

Trong khi đó, tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, dịch vụ du lịch cộng đồng của ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng, Giám đốc Công ty cổ phần Vân Hải Xanh đang trở thành sản phẩm hấp dẫn. Bên cạnh giữ lại 5 nhà cộng đồng cổ, hỗ trợ bà con giữ nghề truyền thống, công ty còn cung ứng sản phẩm dịch vụ nhà hàng cho khách, tạo sự kết nối giữa cái cũ và mới. Theo ông Phạm Hải Quỳnh, khi làm một sản phẩm du lịch cộng đồng, ông chia thành các hợp phần để thực hiện. Đó là, phần cứng với những dịch vụ tối thiểu cung cấp cho khách hàng như ăn, ngủ, nghỉ đạt chuẩn du lịch; phần mềm là những điểm tham quan, cảnh quan, đặc trưng văn hóa địa phương; phần mở do công ty du lịch mở thêm để du khách trải nghiệm. Để một sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn, việc giữ được những nét đặc trưng của địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng.

Chia sẻ về những lợi ích của du lịch cộng đồng, ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: An Giang mong muốn phát triển loại hình du lịch này. Chúng tôi đang bàn với các công ty du lịch, lữ hành để mở rộng khu điểm, nhà du lịch cộng đồng, tạo các sản phẩm hấp dẫn du khách hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ chính sách vay vốn, đất đai, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân mở cửa tiếp khách du lịch…

Hướng tới lợi ích lâu dài

Tuy mang lại nhiều lợi ích, song đã có những nơi, du lịch cộng đồng bị phá sản, điểm du lịch không hấp dẫn du khách, những nét đặc sắc của văn hóa bản địa bị mai một, thương mại hóa, nhà cửa xây dựng xong bị bỏ hoang, cộng đồng mất sinh kế… Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, một số nơi trắng tay vì du lịch cộng đồng. Nguyên nhân có thể có nhiều, nhưng một phần do bà con phá vỡ cam kết với đơn vị lữ hành khi cho rằng tự mình có thể làm thay các đơn vị lữ hành; một số đơn vị lữ hành không lường trước được những khó khăn của sản phẩm, khuyến khích bà con vay tiền để sửa nhà, đầu tư thiết bị… Nói về kinh nghiệm tại địa phương mình, ông Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho rằng, người nông dân chân lấm tay bùn muốn chuyển sang làm du lịch thì họ cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng và cách làm du lịch cộng đồng.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, một sản phẩm du lịch muốn có khách lâu dài cần phải bảo đảm duy trì thường xuyên và có môi trường sinh thái bền vững. Muốn vậy trước tiên sản phẩm du lịch đó cần một đơn vị lữ hành hiểu kỹ về địa phương để xây dựng và thường xuyên làm mới, tạo tính hấp dẫn cho sản phẩm. Khi có sản phẩm du lịch chuẩn, nguồn lợi kinh tế được bảo đảm, đời sống bà con được nâng lên, họ sẽ có ý thức trau chuốt cuộc sống của họ, trau chuốt cho sản phẩm du lịch… Quan trọng nữa là cần sự điều tiết chung của chính quyền, sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, đơn vị du lịch, cộng đồng địa phương để đưa ra quy ước chung. Địa phương phải chủ động tìm những điểm yếu, điểm mạnh của sản phẩm du lịch cộng đồng để phân tích cho bà con ý thức giữ nét đặc trưng, những bản sắc độc đáo thu hút du khách.

Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia kỹ thuật Dự án EU-ESRT (dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường do Liên minh châu Âu tài trợ) cho biết: “Dự án tư vấn cho người dân làm du lịch cộng đồng theo những nhu cầu của du khách như: In danh thiếp, trang bị tủ thuốc, cải thiện vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, các hỗ trợ của dự án hướng tới cuộc sống của cộng đồng là chính, du lịch chỉ là để thêm sinh kế. Hỗ trợ của dự án do đó không nặng về tiền và trang thiết bị, mà chủ yếu về kỹ thuật để những người làm du lịch hiểu cách làm, với sự tham gia, bàn bạc, trao đổi cùng làm để sau này khi dự án kết thúc, những người này biết cách làm và lan tỏa mô hình này sang nơi khác. Cách làm này vừa tiết kiệm vừa tuyên truyền được ý thức du lịch cộng đồng cho người dân. Tại những nơi người dân hiểu, ủng hộ thì du lịch mới phát triển bền vững”.

Đồng tình với cách làm của dự án EU-ERST, ông Phạm Thế Triều cho rằng, trong hơn 3 năm tiếp nhận và thực hiện dự án, tiếp thu và hưởng thụ của người dân An Giang rất hiệu quả. Trước đây, người dân An Giang cũng đã làm du lịch cộng đồng nhưng khi có hỗ trợ của dự án EU-ESRT, người dân biết cách làm du lịch bài bản, chuyên sâu hơn, tự tin và tự chủ hơn. Bên cạnh đó, những lớp do dự án dạy, tổ chức lớp, tổ chức học bài bản, xây dựng cho các cán bộ, nhân viên ý thức ban đầu là làm du lịch phải nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân, cần chú trọng 3 yếu tố, đó là: Môi trường, sản phẩm du lịch; chất lượng, kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ; sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, các ngành… Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, nhận thức của người dân là điều quan trọng nhất để bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững, từ cách làm sản phẩm thế nào, giữ gìn nét đẹp truyền thống, môi trường sinh thái của cộng đồng mình ra sao, để họ liên kết với nhau, cùng nâng cao chất lượng dịch vụ.

(Tác giả: Gia Trí – Báo Quân đội nhân dân)



 

Thời gian qua, một số mô hình du lịch cộng đồng đã đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không phải cứ ở đâu có người dân, dựng mấy ngôi nhà, làm mấy con đường và kéo về vài người khách là nơi đó sẽ phát triển được du lịch cộng đồng. Vấn đề đặt ra hiện nay của du lịch cộng đồng là phải chú trọng chăm lo phát triển bền vững cả du lịch, văn hóa và môi trường.

Khi nông dân làm du lịch

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm nhà vườn Vàm Xáng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Điều hấp dẫn chúng tôi không chỉ là những cây trái theo mùa lúc lỉu quả, mà còn bởi khả năng giới thiệu đầy hấp dẫn của chủ vườn, ông Trần Văn Liền. Ông tự tin nói với chúng tôi về những loại hoa trái của nhà mình, mời ăn những loại quả hái ngay trên cây, hướng dẫn cách chọn những quả đạt chất lượng và bày cho chúng tôi cả những công dụng khác của chúng… 

Nông dân làm du lịch chuyên nghiệp như ông Trần Văn Liền không còn là điều mới lạ ở Cần Thơ nói riêng, Việt Nam nói chung. Bên cạnh làm nông nghiệp, bà con làm thêm du lịch để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển văn hóa, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống, tăng cường giao lưu, hiểu biết… Đây cũng chính là nhu cầu chính đáng cần được cổ vũ, nhân rộng. Tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng có 9 hộ dân làm du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Sỹ Trung, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Các hộ làm du lịch cộng đồng có những nhà sàn gỗ thấp truyền thống được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Khách muốn ở lại các ngôi nhà cổ này, xem gia chủ làm nghề và tham gia trải nghiệm”. Ông Tôn Thất Đính ở xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, tôi cải tạo lại cảnh quan nhà, nhất là khu vệ sinh, đồng thời học tập kỹ năng giao tiếp với khách. Hiện nay, một số đơn vị du lịch đã đặt hàng để đưa khách về ở tại gia đình”.


Du khách chụp ảnh trong khuôn viên một gia đình làm du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. 

Trong khi đó, tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, dịch vụ du lịch cộng đồng của ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng, Giám đốc Công ty cổ phần Vân Hải Xanh đang trở thành sản phẩm hấp dẫn. Bên cạnh giữ lại 5 nhà cộng đồng cổ, hỗ trợ bà con giữ nghề truyền thống, công ty còn cung ứng sản phẩm dịch vụ nhà hàng cho khách, tạo sự kết nối giữa cái cũ và mới. Theo ông Phạm Hải Quỳnh, khi làm một sản phẩm du lịch cộng đồng, ông chia thành các hợp phần để thực hiện. Đó là, phần cứng với những dịch vụ tối thiểu cung cấp cho khách hàng như ăn, ngủ, nghỉ đạt chuẩn du lịch; phần mềm là những điểm tham quan, cảnh quan, đặc trưng văn hóa địa phương; phần mở do công ty du lịch mở thêm để du khách trải nghiệm. Để một sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn, việc giữ được những nét đặc trưng của địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng.

Chia sẻ về những lợi ích của du lịch cộng đồng, ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: An Giang mong muốn phát triển loại hình du lịch này. Chúng tôi đang bàn với các công ty du lịch, lữ hành để mở rộng khu điểm, nhà du lịch cộng đồng, tạo các sản phẩm hấp dẫn du khách hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ chính sách vay vốn, đất đai, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân mở cửa tiếp khách du lịch…

Hướng tới lợi ích lâu dài

Tuy mang lại nhiều lợi ích, song đã có những nơi, du lịch cộng đồng bị phá sản, điểm du lịch không hấp dẫn du khách, những nét đặc sắc của văn hóa bản địa bị mai một, thương mại hóa, nhà cửa xây dựng xong bị bỏ hoang, cộng đồng mất sinh kế… Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, một số nơi trắng tay vì du lịch cộng đồng. Nguyên nhân có thể có nhiều, nhưng một phần do bà con phá vỡ cam kết với đơn vị lữ hành khi cho rằng tự mình có thể làm thay các đơn vị lữ hành; một số đơn vị lữ hành không lường trước được những khó khăn của sản phẩm, khuyến khích bà con vay tiền để sửa nhà, đầu tư thiết bị… Nói về kinh nghiệm tại địa phương mình, ông Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho rằng, người nông dân chân lấm tay bùn muốn chuyển sang làm du lịch thì họ cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng và cách làm du lịch cộng đồng.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, một sản phẩm du lịch muốn có khách lâu dài cần phải bảo đảm duy trì thường xuyên và có môi trường sinh thái bền vững. Muốn vậy trước tiên sản phẩm du lịch đó cần một đơn vị lữ hành hiểu kỹ về địa phương để xây dựng và thường xuyên làm mới, tạo tính hấp dẫn cho sản phẩm. Khi có sản phẩm du lịch chuẩn, nguồn lợi kinh tế được bảo đảm, đời sống bà con được nâng lên, họ sẽ có ý thức trau chuốt cuộc sống của họ, trau chuốt cho sản phẩm du lịch… Quan trọng nữa là cần sự điều tiết chung của chính quyền, sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, đơn vị du lịch, cộng đồng địa phương để đưa ra quy ước chung. Địa phương phải chủ động tìm những điểm yếu, điểm mạnh của sản phẩm du lịch cộng đồng để phân tích cho bà con ý thức giữ nét đặc trưng, những bản sắc độc đáo thu hút du khách.

Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia kỹ thuật Dự án EU-ESRT (dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường do Liên minh châu Âu tài trợ) cho biết: “Dự án tư vấn cho người dân làm du lịch cộng đồng theo những nhu cầu của du khách như: In danh thiếp, trang bị tủ thuốc, cải thiện vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, các hỗ trợ của dự án hướng tới cuộc sống của cộng đồng là chính, du lịch chỉ là để thêm sinh kế. Hỗ trợ của dự án do đó không nặng về tiền và trang thiết bị, mà chủ yếu về kỹ thuật để những người làm du lịch hiểu cách làm, với sự tham gia, bàn bạc, trao đổi cùng làm để sau này khi dự án kết thúc, những người này biết cách làm và lan tỏa mô hình này sang nơi khác. Cách làm này vừa tiết kiệm vừa tuyên truyền được ý thức du lịch cộng đồng cho người dân. Tại những nơi người dân hiểu, ủng hộ thì du lịch mới phát triển bền vững”.

Đồng tình với cách làm của dự án EU-ERST, ông Phạm Thế Triều cho rằng, trong hơn 3 năm tiếp nhận và thực hiện dự án, tiếp thu và hưởng thụ của người dân An Giang rất hiệu quả. Trước đây, người dân An Giang cũng đã làm du lịch cộng đồng nhưng khi có hỗ trợ của dự án EU-ESRT, người dân biết cách làm du lịch bài bản, chuyên sâu hơn, tự tin và tự chủ hơn. Bên cạnh đó, những lớp do dự án dạy, tổ chức lớp, tổ chức học bài bản, xây dựng cho các cán bộ, nhân viên ý thức ban đầu là làm du lịch phải nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân, cần chú trọng 3 yếu tố, đó là: Môi trường, sản phẩm du lịch; chất lượng, kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ; sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, các ngành… Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, nhận thức của người dân là điều quan trọng nhất để bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững, từ cách làm sản phẩm thế nào, giữ gìn nét đẹp truyền thống, môi trường sinh thái của cộng đồng mình ra sao, để họ liên kết với nhau, cùng nâng cao chất lượng dịch vụ.

(Tác giả: Gia Trí – Báo Quân đội nhân dân)